DỊCH TRANG NÀY

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Nguyễn Tuân và các tác phẩm trích giảng

Nguyễn Tuân và các tác phẩm trích giảng


Đề Khối D – 2004 (2 đ): Anh/chị hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân

1. Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Sự nghiệp của ông trải ra trên hai chặng đường, trước và sau 1945: trước 1945, là nhà văn lãng mạn; sau 1945, chuyển biến thành nhà văn cách mạng
2. Trước1945, sáng tác của Nguyễn Tuân xoay quanh các đề tài chính:
a. Chủ nghĩa xê dịch: Viết về bước chân của cái tôi lãng tử qua những miền quê, trong đó hiện ra cảnh sắc và phong vị quê hương, cùng một tấm lòng yêu nước tha thiết. Tác phẩm chính: Một chuyến đi, Thiếu quê hương,...
b. Vẻ đẹp "vang bóng một thời": Là những nét đẹp còn vương sót lại của một thời đã lùi vào dĩ vãng gắn với lớp nho sĩ cuối mùa. Tác phẩm chính: Vang bóng một thời,...
c. Đời sống trụy lạc: Ghi lại quãng đời do hoang mang bế tắc, cái tôi lãng tử đã lao vào rượu, thuốc phiện và hát cô đầu, qua đó thấy hiện lên tâm trạng khủng hoảng của lớp thanh niên đương thời. Tác phẩm chính: Chiếc lư đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc ...
3. Sau 1945, sáng tác Nguyễn Tuân tập trung phản ánh hai cuộc kháng chiến, qua đó thấy được vẻ đẹp của người Việt Nam vừa anh dũng vừa tài hoa. Tác phẩm chính: Tình chiến dịch, Đường vui, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi,... Ông cũng viết về công cuộc xây dựng đất nước, trong đó hiện lên con người Việt Nam với vẻ đẹp cần cù mà rất mực tài hoa. Tác phẩm chính: Sông Đà, Ký Nguyễn Tuân,...
4. Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời tìm kiếm và khẳng định những giá trị nhân văn cao quý, với những nét phong cách nổi bật: tài hoa, uyên bác, hiện đại mà cổ điển...
Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể tuỳ bút và tiếng Việt...
-------------------------------------------------------------------------------
Đề thi khối D – 2002: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 
1. Giới thiệu đôi nét về tác phẩm và hình tượng:
- Chữ người tử tù là truyện ngắn rút từ tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân(1940).
- Đây là truyện ngắn có nội dung tư tưởng sâu sắc và có nhiều thành công về phương diện nghệ thuật. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm bộc lộ tập trung trong hình tượng nhân vật Huấn Cao
2. Vẻ đẹp của Huấn Cao trước hết là vẻ đẹp của con người nghệ sĩ tài hoa
- Huấn Cao có tài viết chữ . Chữ Huấn Cao viết là chữ Hán, loại văn tự giàu tính tạo hình. Các nhà nho thuở xưa viết chữ để bộc lộ cái tâm, cái chí. Viết chữ thành một môn nghệ thuật được gọi là thư pháp. Có người viết chữ, thì có người chơi chữ. Người ta treo chữ đẹp ở những nơi trang trọng trong nhà, xem đó như một thú chơi tao nhã.
- Huấn Cao là nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp. “Tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” của ông nổi tiếng khắp một vùng tỉnh Sơn. Ngay cả viên quản ngục của một huyện nhỏ vô danh cũng biết “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm (...). Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời”. Cho nên, “sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Để có được chữ ông Huấn Cao, viên quản ngục không những phải dụng công, phải nhẫn nhục, mà còn phải liều mạng. Bởi vì, biệt đãi Huấn Cao, một kẻ tử tù, là việc làm nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng tính mạng của mình
3. Huấn Cao mang vẻ đẹp của khí phách hiên ngang, bất khuất.
- Huấn Cao dám chống lại triều đình mà ông căm ghét, khinh bỉ.
- Dù chí lớn không thành, tư thế của Huấn Cao bao giờ cũng hiên ngang, bất khuất. Bị dẫn vào huyện ngục, ông không chút run sợ trước những kẻ đang nắm giữ vận mệnh của mình (thái độ của Huấn Cao đối với quản ngục, chi tiết nói về việc Huấn Cao thúc gông xuống nền nhà có thể xem là những dẫn chứng cho ý này).
- Là tử tù chỉ đợi ngày ra pháp trường, vậy mà Huấn Cao vẫn giữ phong thái ung dung, đường hoàng.
4. Huấn Cao là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp.
- Trong truyện Chữ người tử tù, khái niệm “thiên lương” được Nguyễn Tuân sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Với quản ngục và thơ lại, thì “thiên lương” là tấm lòng yêu quý cái tài, cái đẹp rất chân thành của họ. Với Huấn Cao, thì “thiên lương” lại là ý thức của ông trong việc sử dụng cái tài của mình.
- Huấn Cao có tài viết chữ, nhưng không phải ai ông cũng cho chữ. Ông không bao giờ ép mình cho chữ vì vàng ngọc, hay quyền thế. Ông chỉ trân trọng những ai biết yêu quý cái đẹp, cái tài.. Cho nên, suốt đời, Huấn Cao chỉ viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Ông tỏ thái độ khinh bạc vì tưởng quản ngục có âm mưu đen tối gì, khi thấy viên quan ấy biệt đãi mình. Rồi ông “cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài’ của quản ngục và thơ lại, khi biết họ thành tâm xin chữ. Ông quyết không phụ tấm lòng của họ, nên mới diễn ra cảnh cho chữ trong tù, được tác giả gọi là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
5. Sự thống nhất của cái tài, cái tâm và khí phách anh hùng ở hình tượng Huấn Cao.
- Trong cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm, Nguyễn Tuân đã để cho vẻ đẹp của cái tâm, của “thiên lương” chiếu rọi, làm cho vẻ đẹp của cái tài, của khí phách anh hùng bừng sáng, tạo nên nhân cách chói lọi của Huấn Cao. Sự thống nhất của cái tài, cái tâm và khí phách anh hùng là lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân, là chuẩn mực để ông đánh giá nhân cách của con người.
Nguyễn Tuân đặt nhân vật truyện dưới ánh sáng của lí tưởng ấy để các hình tượng bộc lộ vẻ đẹp với những mức độ khác nhau. Trên cái nền đen tối của nhà tù, quản ngục và thơ lại là hai điểm sáng, bên cạnh cái vầng sáng rực rỡ Huấn Cao. Cũng chính lí tưởng thẩm mĩ ấy đã chi phối mạch vận động của truyện, tạo thành cuộc đổi ngôi kì diệu: kẻ tử tù trở thành người làm chủ tình huống, ban phát cái đẹp, dạy dỗ cách sống, quan coi ngục thì khúm núm, sợ hãi. Hình tượng Huấn Cao vì thế trở thành biểu tượng cho sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp, cái cao cả đối với cái phàm tục, dơ bẩn, của khí phách ngang tàng đối với thói quen nô lệ.
6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Huấn Cao:
- Để làm nổi bật vẻ đẹp của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật vào một tình huống truyện độc đáo: cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao với quản ngục và thơ lại. Đó là cuộc gặp gỡ của tử tù với quan coi ngục, nhưng cũng là cuộc hội ngộ của những kẻ “liên tài tri kỉ”.
- Miêu tả Huấn Cao, để làm nổi bật sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái tâm và khí phách ngang tàng, Nguyễn Tuân triệt để sử dụng sức mạnh của nguyên tắc tương phản, đối lập của bút pháp lãng mạn: đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái đẹp, cái cao cả với cái phàm tục, dơ bẩn. Có sự tương phản ở những chi tiết tạo hình được sử dụng để miêu tả không khí của cảnh cho chữ (bóng tối phòng giam, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ...). Có sự đối lập tương phản giữa việc cho chữ (công việc tạo ra cái đẹp “nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người”) với hoàn cảnh cho chữ (nơi hôi hám, bẩn thỉu, nơi giam cầm cùm trói tự do). Có sự đối lập ở phong thái của người cho chữ (đường hoàng) với tư thế của kẻ nhận chữ (khúm núm)...
- Ngôn ngữ miêu tả nhân vật của Nguyễn Tuân giàu chất tạo hình. Ông sử dụng nhiều từ Hán-Việt, lời ăn tiếng nói mang khẩu khí của người xưa làm tăng thêm vẻ đẹp của một “thời vang bóng” ở hình tượng Huấn Cao.
7. Kết luận:
- Nhân vật Huấn Cao thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đó là biểu tượng cho sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái tâm trước cái phàm tục, dơ bẩn, của khí phách ngang tàng đối với thói quen nô lệ. Đây là lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn, là ý nghĩa tư tưởng của hình tượng.
- Hình tượng Huấn Cao được xây dựng trên cơ sở nguyên mẫu: Cao Bá Quát, một nhà nho có tài văn thơ, viết chữ đẹp nổi tiếng một thời và cũng là người từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn. Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân bộc lộ tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc thầm kín của mình
-------------------------------------
Đề khối C – 2008: Trong tác phẩm Chữ người tử tù, vì sao tác giả Nguyễn Tuân lại ví tấm lòng của nhân vật quản ngục như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”? 
1. Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm
- Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời say mê và tôn vinh cái đẹp, nhất là cái đẹp của tài hoa và nhân cách; là ngòi bút bậc thầy với phong cách sắc sảo, uyên bác, tài hoa.
- Chữ người tử tù được coi là kiệt tác của Nguyễn Tuân trong tập Vang bóng một thời. Truyện viết về cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Huấn Cao và quản ngục, mỗi nhân vật là hiện thân cho một vẻ đẹp cao quí trong đời.
2. Về nhân vật quản ngục
- Về vị thế, nhân vật quản ngục là đại diện cho bộ máy cai trị của triều đình mục nát, phải sống giữa một môi trường là thế giới nhà tù ô trọc, với chức phận cai quản và trừng phạt tù nhân.
- Về phẩm chất, nhân vật quản ngục lại là “một tấm lòng trong thiên hạ”: tâm hồn thuần khiết, tính tình ngay thẳng, biết quý trọng phẩm giá con người, có sở thích cao quý, đặc biệt là có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” ...
3. Ý nghĩa của hình ảnh so sánh
- Là hình ảnh súc tích tạo ra sự đối lập sắc nét giữa trong với đục, thuần khiết với ô trọc, cao quý với thấp hèn; giữa cá thể nhỏ bé, mong manh với thế giới hỗn tạp, xô bồ.
- Là hình ảnh so sánh hoa mĩ, đắt giá, gây ấn tượng mạnh, thể hiện một sự khái quát nghệ thuật sắc sảo, tinh tế giúp tác giả làm nổi bật và đề cao vẻ đẹp của tâm hồn nhân vật. Là chi tiết nghệ thuật mang đậm dấu ấn phong cách tài hoa của Nguyễn Tuân.
------------------------------------------------------------------
Đề khối D – 2009: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm
2. Những đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Chữ người tử tù
- Nghệ thuật tạo tình huống truyện độc đáo: Đó là cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục trong chốn lao tù. Xét trên bình diện xã hội, họ là kẻ thù, nhưng trên bình diện nghệ thuật họ là tri âm, tri kỉ. Thông qua tình huống truyện, tính cách các nhân vật được khắc họa rõ nét và chủ đề tác phẩm được tô đậm
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được nhìn nhận từ phương diện tài hoa nghệ sĩ, được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn; quản ngục và Huấn Cao được đặt trong mối quan hệ tương phản, soi sáng lẫn nhau; cách miêu tả gián tiếp...
- Nghệ thuật tạo dựng cảnh cho chữ: "Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Trong cảnh này, thủ pháp nghệ thuật đối lập được sử dụng một cách triệt để, góp phần khắc họa đậm nét tính cách nhân vật
- Nghệ thuật tạo không khí cổ kính bằng những chi tiết chọn lọc, câu văn có nhịp điệu thong thả, đĩnh đạc, ngôn ngữ sử dụng nhiều từ Hán Việt ...
3. Đánh giá chung: Khẳng định thành công của truyện ngắn Chữ người tử tù và tài năng của nhà văn NT








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin cảm ơn bạn đã có ý kiến phản hồi. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu bằng chế độ gõ Unicode.