DỊCH TRANG NÀY

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Đất nước – Nguyễn Đình Thi và Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm

Đất nước – Nguyễn Đình Thi và Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm
Đề khối D – 2003: Phân tích những bức tranh mùa thu trong đoạn thơ sau để làm rõ sự biến đổi tâm trạng của nhà thơ : 
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội 
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha,
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Đề khối D – 2004: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) để làm rõ những tình cảm sâu nặng của tác giả đối với nhân dân: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ….. Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn !”
1. Nêu khái quát về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm):
a. Chế Lan Viên: Nhà thơ lớn của thơ ca hiện đại. Chuyển biến từ nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Thơ ông giàu chất trí tuệ, chất sử thi, hình ảnh tráng lệ,...
Tiếng hát con tàu: Là bài thơ xuất sắc của Chế Lan Viên, ra đời trong không khí miền Bắc đang dấy lên phong trào đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế - văn hóa miền núi, trong đó có Tây Bắc. Nội dung nổi bật nhất là bày tỏ tình cảm sâu nặng của mình đối với nhân dân. Rất tiêu biểu cho phong cách thơ giàu chất trí tuệ của Chế Lan Viên...
b. Về đoạn trích:
+ Nội dung bao trùm: Bày tỏ tình cảm sâu nặng với nhân dân và suy tư sâu sắc về những chuyển hoá kì diệu của tâm hồn.
+ Trình tự mạch thơ: Đoạn trích có ba phần khá rõ rệt. Khổ thơ đầu bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao khi được về với nhân dân; 3 khổ thơ tiếp theo hồi tưởng về những hi sinh đầy ân tình ân nghĩa của người dân Tây Bắc; khổ thơ cuối đúc kết thành triết lí về sự chuyển hoá kì diệu của tâm hồn con người.
2. Phân tích cụ thể:
a. Khổ thơ đầu (của đoạn trích)
- Tình cảm bao trùm là lòng biết ơn sâu nặng và niềm hạnh phúc lớn lao của cái tôi trữ tình khi từ bỏ thế giới nhỏ hẹp của cá nhân để về với nhân dân.
Đối với người con ở đây, nhân dân là những gì thân thương mật thiết, là ngọn nguồn sự sống, là bầu sinh khí, là nguồn sinh lực, luôn cưu mang, che chở, tiếp sức... Cho nên về với nhân dân là một lẽ sống lớn, một hạnh phúc lớn. Phân tích được ý nghĩa đó trong các cặp hình ảnh: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa, chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa... Cần thấy đó cũng chính là mối quan hệ thiêng liêng giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và cuộc sống nói chung.
- Nghệ thuật nổi bật là việc tạo ra những cặp hình ảnh giàu tính tượng trưng, mỗi cặp một sắc thái khác nhau: nai - suối cũ, cỏ - tháng giêng, chim én - mùa xuân, chiếc nôi ngừng - cánh tay đưa, cơn khát trẻ thơ - bầu sữa mẹ. Đồng thời, chú ý cả tính trùng điệp của chuỗi so sánh dài ấy, tạo nên kiểu so sánh trùng điệp. Nhờ đó mà cảm xúc thêm nồng nàn, suy tư thêm sâu sắc.
b. Ba khổ thơ tiếp theo (của đoạn trích)
- Tình cảm bao trùm là nỗi nhớ da diết về những kỉ niệm với Tây Bắc của một người con luôn khắc cốt ghi tâm bao ơn nghĩa. Nhớ về những việc làm đầy hi sinh, đùm bọc, cưu mang rất cụ thể của người anh (cho tấm áo trước lúc hi sinh), người em liên lạc (mười năm liền tận tụy miệt mài ), người mẹ (thức suốt một mùa dài để ân cần chăm sóc). Phân tích những hình ảnh cảm động: Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn - Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách - Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con, Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ... Mười năm tròn chưa mất một phong thư, Lửa hồng soi tóc bạc - Năm con đau mế thức một mùa dài,... và những tâm nguyện đinh ninh: Con với mế không phải hòn máu cắt - Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
- Nét nghệ thuật nổi bật ở đây là việc tạo ra nhiều hình ảnh chân thực, gây được ấn tượng mạnh. Hình ảnh được tạo bằng thủ pháp đối lập nhuần nhuyễn: chiếc áo nâu - một đời vá rách, mười năm tròn - một phong thư, lửa hồng - tóc bạc, năm con đau - mế thức một mùa dài,... Đồng thời, là cách xưng hô theo quan hệ máu mủ ruột thịt: anh con, em con, mế. Nhờ những nét nghệ thuật ấy mà hình ảnh sắc nét, lời thơ thấm thía, cảm xúc da diết...
c. Khổ thơ cuối (của đoạn trích)
- Bao trùm lên khổ thơ này là niềm nhớ thương đằm thắm, sâu nặng với những miền quê mình đã từng qua với lời nhớ thương, lời khẳng định, cùng những hình ảnh thân thương: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ - Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương. Đồng thời là suy tư sâu sắc về những chuyển hoá kì diệu của tâm
hồn con người được đúc kết thành triết lí : Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 
- Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn. Đó là điều kì diệu mà tình cảm con người đã làm được để biến kỉ nịêm với những miền đất mình từng qua thành tâm hồn của chính mình.
- Đoạn này, thủ pháp trùng điệp tiếp tục được sử dụng, với các điệp từ, điệp ngữ:
Nhớ... nhớ ..., Khi ta..., Khi ta... Nhưng quan trọng hơn cả là lối suy tưởng: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
- Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn. Tác giả tạo ra sự phi lý bề ngoài
(đất hoá tâm hồn) làm hình thức chứa đựng chân lí bên trong: Tình cảm gắn bó giữa con người với những miền đất sẽ theo thời gian mà âm thầm bồi đắp nên tâm hồn cho con người. Đây là một triết lí sâu sắc, thâu tóm được một qui luật phổ biến trong đời sống nhân sinh. Từ cảm xúc suy tư đúc kết thành những triết lí chính là một nét độc đáo cuả nghệ thuật thơ Chế Lan Viên.
Lưu ý
Có thể có hai cách làm chính đối với câu này: một là, dựa theo mạch thơ để phân tích lần lượt từng phần; hai là, chia ra thành hai phương diện nội dung và nghệ thuật rồi phân tích. Tuy nhiên phải làm rõ được tình cảm sâu nặng của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin cảm ơn bạn đã có ý kiến phản hồi. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu bằng chế độ gõ Unicode.